DỰ ÁN

14 Tháng Năm, 2017

Chuyển đổi dự án trên đất vàng: Nhà nước thất thoát quá lớn

Nghi ngờ có dấu hiệu làm thất thu ngân sách nhà nước, mới đây Bộ Tài chính đã đề xuất Thủ tướng cho thanh tra 834.000m2 đất sản xuất thuộc 60 dự án chuyển đổi thành cao ốc, trung tâm thương mại để bán và cho thuê.

Nhận được đề xuất của Bộ Tài chính, qua Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ truyền đạt ý kiến về việc quản lý sử dụng đất và việc chuyển mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa.

Đồng thời, Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính chuyển danh sách các cơ sở nhà, đất chuyển mục đích sử dụng đất cho Thanh tra Chính phủ để phục vụ công tác thanh tra về việc quản lý đất đai.

Đất sản xuất kinh doanh biến thành cao ốc

Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở báo cáo rà soát của Tổng cục Thuế tính từ ngày 1/7/2014 đến 30/11/2016, có tất cả 60 trường hợp doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước cổ phần được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Điều đáng quan tâm nhất là tất cả những trường hợp trên đều xin chuyển từ đất sản xuất kinh doanh sang cao ốc, trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở, căn hộ cao cấp để bán và cho thuê.

Theo đó, có tổng số 834.000m2 đất được đề nghị chuyển mục đích sử dụng với số tiền phải nộp vào ngân sách là hơn 5.360 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn khoảng 700 tỉ đồng chưa được nộp.

Đó là chưa kể còn một loạt dự án chưa có quyết định phê duyệt giá đất tính thu nghĩa vụ tài chính khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, Tp.HCM hiện có hơn 10 dự án chuyển đổi. Trong đó có Công ty CP Công nghiệp cao su miền Nam trụ sở tại 504 Nguyễn Tất Thành, phường 18, quận 4 xin chuyển đổi 4.785m2 đất sản xuất kinh doanh sang xây cao ốc thương mại dịch vụ và căn hộ.

Hai khu đất nằm kề nhau tại 119 Phổ Quang và 128 Hồng Hà, Tp.HCM trước đây thuộc sở hữu của Công ty Điện tử Sài Gòn và Công ty CP Thương mại Phú Nhuận

Theo quyết định phê duyệt giá đất tính thu nghĩa vụ tài chính khi chuyển mục đích sử dụng đất, UBND Tp.HCM đồng ý giá đất của dự án này là 50,9 triệu đồng/m2. Như vậy toàn bộ phần đất 4.785m2 chỉ có giá trên 103 tỉ đồng.

Một dự án khác là dự án thương mại dịch vụ văn phòng và căn hộ tại 128 Hồng Hà, phường 9, quận Phú Nhuận cũng được chấp thuận chuyển đổi 4.300m2 đất sản xuất kinh doanh sang thương mại dịch vụ và căn hộ, với giá đất chỉ 28,4 triệu đồng/m2…

Còn tại Hà Nội, đáng chú ý nhất là việc chuyển đổi gần 15.500m2 đất tại 148 Giảng Võ của Công ty CP Trung tâm hội chợ triển lãm VN. Một khu đất khác tại 60B Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân) có diện tích 2.670m2 cũng được chủ đầu tư đề nghị chuyển đổi mục đích 1.323m2 làm tổ hợp dịch vụ, thương mại, văn phòng và chung cư. Theo đó, giá đất được phê duyệt cho chuyển đổi sang làm tổ hợp dịch vụ, thương mại, văn phòng và chung cư là 35,3 triệu đồng/m2. Như vậy, sau chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chủ đầu tư chỉ phải nộp số tiền là hơn 46,7 tỉ đồng.

Giá phê duyệt thấp hơn giá thị trường nhiều lần

Theo ghi nhận của PV báo Tuổi Trẻ, trên thị trường thực tế giá đất giao dịch quanh khu vực 60B Nguyễn Huy Tưởng lên đến 90 – 100 triệu đồng/m2, tức cao gấp 2-3 lần so với giá đất mà thành phố phê duyệt cho dự án này.

Hiện tại, Công ty CP đầu tư xây dựng Vinaconex và Tổng công ty Dược VN là chủ đầu tư chung cư cao cấp PVV Tower đang triển khai tại địa chỉ 60B Nguyễn Huy Tưởng. Đây là dự án tổ hợp dịch vụ, thương mại, văn phòng và chung cư.

Theo thông tin trên website của Công ty CP đầu tư xây dựng Vinaconex thì dự án này có tổng số vốn đầu tư là 370 tỉ đồng trên diện tích 2.670m2. Công trình cao 25 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng là 28.800m2. Theo rao bán trên thị trường, giá bán các căn hộ từ 28 – 32 triệu đồng/m2 tùy từng vị trí.

Ảnh minh họa quá trình tiền Nhà nước bị thất thu.

Trong danh sách đề nghị thanh tra cũng có tên Dự án tòa nhà chung cư kết hợp dịch vụ của Công ty TNHH đầu tư và quản lý Ion complex – Công ty FLC tại vị trí đắc địa 36 Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm). Công trình này đã hoàn thành và đã có người dân về ở kín. Được biết, khu đất triển khai công trình này có diện tích 4.034m2, trong đó diện tích đất đề nghị chuyển đổi xây dựng chung cư là 1.897m2.

Đáng chú ý, dù có vị trí đắc địa ngay mặt tiền đường Phạm Hùng nhưng giá đất được phê duyệt tính thu nghĩa vụ tài chính khi chuyển đổi mục đích cũng chỉ có 39,6 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV báo Tuổi Trẻ, giá đất giao dịch ở khu vực này không dưới 100 triệu đồng/m2.

Trong báo cáo của Bộ Tài chính còn nêu tên dự án chung cư cao tầng, nhà ở thấp tầng cũng đã hình thành ngay tại vị trí đắc địa 53 Triều Khúc, quận Thanh Xuân được chuyển từ đất sản xuất của Công ty TNHH liên doanh ôtô Hòa Bình. Khu đất này có diện tích tới 44.024m2, trong đó phần diện tích được duyệt chuyển đổi là 18.896m2 để thực hiện dự án nhà ở cao tầng, nhà ở thấp tầng.

Theo quyết định phê duyệt giá đất tính thu nghĩa vụ tài chính, giá khu đất này được xác định khá “bèo”, chỉ hơn 20,7 triệu đồng/m2.

Ghi nhận thực tế của Tuổi Trẻ, toàn bộ các công trình nhà ở cao tầng, thấp tầng trên khu đất này hiện đã xây dựng xong và đang trong quá trình hoàn thiện, dự kiến sẽ bàn giao nhà cho khách hàng trong năm nay. Được biết, các căn hộ chung cư trong dự án hiện đang giao dịch với giá từ 30-32 triệu đồng/m2. Còn giá đất nền giao dịch khoảng 90-100 triệu đồng/m2.

Khu đất trên đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chỉ phải nộp nghĩa vụ tài chính 39,6 triệu đồng/m2 sau khi chuyển mục đích sử dụng sang xây cao ốc. Trong khi đó , giá thị trường tại khu vực này vào khoảng 100 triệu đồng/m2.

Tính giá đất theo ý kiến của doanh nghiệp: lỗ hổng thất thoát

Sau khi có kết quả rà soát ban đầu, Bộ Tài chính nhấn mạnh tình trạng trên diễn ra ở 60 doanh nghiệp nhà nước, nhất là những doanh nghiệp nhà nước được Nhà nước cho thuê đất tại những vị trí có giá trị thương mại ở trung tâm thành phố.

Tuy nhiên, việc xác định giá trị doanh nghiệp lại không tính giá trị quyền sử dụng đất cũng như không thực hiện đấu giá khi cổ phần hóa.

Ngoài ra, các đơn vị thực hiện sắp xếp lại nhà đất được UBND tỉnh cho chuyển đổi mục đích để xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và nhà ở để bán nhưng không đấu giá theo quy định.

Theo đó, việc xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chủ yếu vẫn dựa trên kết quả của doanh nghiệp tư vấn, nhưng lại không đầy đủ và chưa sát với giá thị trường.

Chưa kể, việc xác định giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại một số địa phương trên địa bàn thành phố chưa thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh, thành phố khi phê duyệt giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất lại không xin ý kiến thường trực HĐND tỉnh, thành phố và không báo cáo hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố tại kỳ họp gần nhất.

Trước thực trạng trên, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tạm thời đình chỉ thi công các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai thực hiện tại trung tâm thành phố lớn mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất không qua đấu giá và phải tổng hợp báo cáo Thủ tướng.

Rà soát quá trình cổ phần hóa của triển lãm Giảng Võ

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc quy hoạch chi tiết xây dựng tại số 148 Giảng Võ, Hà Nội vừa được Văn phòng Chính phủ truyền đạt qua văn bản thông báo .

Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch – đầu tư…tiến hành rà soát quá trình cổ phần hóa của Công ty TNHH MTV Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam, làm rõ quyền và trách nhiệm của cổ đông, tránh để xảy ra thất thoát tài sản nhà nước.

(Theo Tuổi trẻ online)

5/5 - (1 bình chọn)

Comments

comments

About admin
Call Now Button