DỰ ÁN

17 Tháng Tư, 2017

Căn hộ cao cấp “ế chỏng chơ”, đổ xô rao bán cắt lỗ

Gần 1 năm trở lại đây, phân khúc căn hộ cao cấp tại TP.HCM trên đà suy thoái rõ nét. Điều dễ nhận thấy là nguồn cung mới trên ở phân khúc này khá hạn chế, các doanh nghiệp tập trung xử lý hàng tồn kho, trong khi môi giới tích cực rao bán “cắt lỗ”.

 Gần 1 năm trở lại đây, phân khúc căn hộ cao cấp tại TP.HCM trên đà suy thoái rõ nét. Điều dễ nhận thấy là nguồn cung mới trên ở phân khúc này khá hạn chế, các doanh nghiệp tập trung xử lý hàng tồn kho, trong khi môi giới tích cực rao bán “cắt lỗ”.

Hàng mới giảm, hàng cắt lỗ tăng

Từ đầu năm 2017, Victoria Village của Novaland là dự án căn hộ cao cấp hiếm hoi mới chào thị trường. Điểm sáng trên thị trường là Richmond City với đợt chào bán thành công block cuối, tỷ lệ đặt chỗ 100%. Bên cạnh đó, Saigon South Residence, tọa lạc tại huyện Nhà Bè, dù chưa đủ điều kiện huy động vốn nhưng cũng được Phú Mỹ Hưng công bố tỉ lệ giao dịch thành công khá cao. Một số dự án khác như Hà Đô Centrosa, Diamond Island, The EverRich Infinity…cũng tích cực đẩy hàng tồn, nhưng thanh khoản không mấy khả quan.

Báo cáo của một đơn vị nghiên cứu thị trường uy tín mới đây cho rằng, nguyên nhân sụt giảm nguồn cung căn hộ cao cấp là do trong năm 2016, đặc biệt là Quý 3, Quý 4, nguồn cung căn hộ cao cấp tăng đột biến, lượng tiêu thụ khá tốt và chủ yếu là khách hàng đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, tại thị trường thứ cấp, tính thanh khoản không tốt, sinh lời ít. Do đó, chủ đầu tư đang quan sát thị trường để đưa ra những kế hoạch tiếp theo.

Tình trạng rao bán lỗ khá phổ biến ở nhiều dự án

Áp lực ra hàng của khách hàng đầu tư càng lớn, tình trạng rao bán gấp, cắt lỗ càng tăng nhiệt. Trong đó: The EverRich Infinity, The Goldview, Gateway Thảo Điền… là những dự án có lượng lớn tin rao bán lỗ trên thị trường thời gian gần đây. Tùy dự án, mức độ rao bán cắt lỗ có thể biến động từ 100 – 500 triệu/căn. Đặc biệt, ở những dự án vào giai đoạn bàn giao, chất lượng không như mong đợi, thì cuộc đua bán lỗ càng mạnh.

Ông Nguyễn Huy Vũ, CEO Bản Việt Land, cho rằng, năm 2016, thông tin TPP được ký kết, được dùng để kích phân khúc cao cấp, vì môi giới cho rằng sẽ có lượng lớn chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam, nhu cầu thuê sắp tăng mạnh. Tuy nhiên, sau khi Mỹ và hiệp định có nguy cơ không thực hiện, khiến nhiều dự tính ban đầu của nhà đầu tư rơi vào “vỡ mộng”.

Với tình hình hiện nay, hàng chục ngàn căn hộ cao cấp đã và sắp bàn giao như: Masteri Thảo Điền, Khu đô thị Sala… sự cạnh tranh trên thị trường cho thuê sẽ ngày càng khốc liệt, cung vượt cầu, khiến giá cho thuê tụt dốc. Điều này khiến những nhà đầu tư mua để cho thuê tính kế bán lỗ để chuyển kênh đầu tư.

Thị trường dịch chuyển mạnh

Báo cáo thị trường mới đây của DKRA, ghi nhận, thị trường căn hộ đang có sự dịch chuyển rõ rệt về phân khúc nguồn cung. Cụ thể: Nếu trong năm 2016 các dự án căn hộ trung và cao cấp chiếm tỷ lệ khá lớn (khoảng 70% nguồn cung thị trường) gây lo ngại sự mất cần bằng của thị trường khi nguồn cung căn hộ bình dân (có giá dưới 1.5 tỷ đồng/căn) thiếu hụt sẽ có những tác động không tốt đến thị trường.

Tuy nhiên đến Quý 1/2017 một lượng lớn các dự án căn hộ bình dân được tung ra thị trường (chiếm khoảng 45% nguồn cung thị trường) mở ra cơ hội cho nhiều khách hàng với mức tài chính phù hợp. Về tổng quan, nguồn cung căn hộ trong Quý 1/2017 khoảng hơn 7,100 căn (bằng khoảng 42% so với cùng kỳ năm ngoái). Lượng tiêu thụ khá tốt khoảng 4,946 căn (khoảng 69% nguồn cung Quý 1/2017).

Sự chuyển dịch phân khúc từ trung cấp, cao cấp sang phân khúc bình dân kéo theo sự chuyển dịch về nhu cầu mua nhà từ xu hướng đầu tư sang khách hàng mua để ở thực. Theo đó, nếu như năm 2016, thị trường ghi nhận chỉ khoảng hơn 30% khách mua có nhu cầu để ở thì đến Quý I/2017, tỷ lệ này đã tăng lên khoảng 50%.

Cũng theo DKRA, bên cạnh sự chuyển dịch về phân khúc và nhu cầu mua nhà, thị trường căn hộ cũng đang dịch chuyển vị trí nguồn cung. Theo đó, trong năm 2016 các dự án căn hộ tập trung chủ yếu ở khu Đông (chiếm khoảng 31%). Tuy nhiên, đến Quý 1/2017, thị trường ghi nhận sự trỗi dậy của khu Tây khi khu vực này chiếm đến khoảng 49% nguồn cung toàn thị trường (khoảng 3,494 căn).

Giải thích về sự chuyển dịch vị trí nguồn cung từ khu Đông sang khu Tây, Ông Phạm Lâm, CEO DKRA cho rằng, trục đường Võ Văn Kiệt hiện hữu (trục giao thông huyết mạch nối khu Đông với khu Tây) đã tạo ra diện mạo mới cho toàn khu Tây, giúp khu Tây dễ dàng kết nối tới khu Đông hay trung tâm thành phố. Một số công trình giao thông như nâng cấp đường Kinh Dương Vương cũng kích thích sự phát triển của bất động sản khu Tây. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, hệ thống tiện ích của khu Tây liên tục phát triển, xuất hiện nhiều tập đoàn nước ngoài đến đầu tư cũng là yếu tố quan trọng để các chủ đầu tư dịch chuyển về khu vực này. Mặt khác, giá bất động sản khu Tây đang thấp hơn khu Đông tạo ra cơ hội sở hữu và cả cơ hội đầu tư lớn cho khách hàng.

Theo phununews

5/5 - (3 bình chọn)

Comments

comments

, , , , , , , , ,
About admin
Call Now Button